Nặng và Nhẹ dường như là 2 khái niệm luôn đồng hành với các KTS trưởng MIA Design Studio (MIA), khi những công trình do MIA Design Studio thiết kế luôn hàm chứa những triết lý sâu sắc nhưng lại được thể hiện bằng các ý tưởng kiến trúc rất nhẹ nhàng, hài hoà với thiên nhiên và con người. Được thành lập từ năm 2003 bởi 3 KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, Steven Beateman và Bùi Hoàng Bảo, MIA Design Studio đã từng bước đặt những bước chân thành công trên thị trường tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế và đã trở thành tên tuổi thiết kế hàng đầu Việt Nam với nhiều giải thưởng quan trọng. Trọng tâm về thiết kế thiết kế khách sạn, khu nghỉ mát, spa tĩnh tâm, căn hộ và biệt thự, MIA Design Studio khẳng định vị thế của mình với phong cách thiết kế hiện đại, sáng tạo, tiên phong trong việc định hướng xây dựng bản sắc riêng cho kiến trúc Việt Nam ở thế kỷ 21 và trong bối cảnh hội nhập thế giới.
Cánh đồng ý tưởng
- Vị trí: MIA Design Studio, 311B Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, Tp. HCM
- Diện tích: 132 m2
- Năm hoàn thành: 2018
- Kiến trúc sư chủ trì: ThS. KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh
- Ý tưởng thiết kế: Nguyễn Thế Huy, Nguyễn Hồng Quân
Từ thuở sơ khai, tổ tiên chúng ta đã sử dụng những hình vẽ như một phương tiện giao tiếp với các thực thể xung quanh. Đó là một trong những hoạt động đầu tiên của mỗi con người để thể hiện những mong muốn, suy nghĩ mà chúng ta chưa định hình được. Tuy vậy qua quá trình học hỏi và trưởng thành, chúng ta bị cuốn đi bởi cuộc sống hiện đại và dần phụ thuộc vào những lối mòn tư duy mà lãng quên bản năng sáng tạo.
Tại MIA Design Studio, từ việc may mắn sở hữu một khoảng vườn tách rời khỏi đô thị ngột ngạt, chúng tôi đã sáng tạo nên một không gian gọi là “Cánh đồng ý tưởng”. Đây là nơi sinh hoạt chung, trò chuyện, trao đổi và là một trong những không gian sáng tạo của các KTS, được đặt giữa những hàng tre dưới khoảng trời thoáng đãng.
Để tạo nên công trình mang tính thực tiễn mà vẫn gần gũi với tự nhiên, các KTS mong muốn được trải nghiệm một không gian tự do, không bị chi phối bởi các yếu tố ô nhiễm của đô thị. Đây cũng là nơi để người KTS phác họa nên những nét vẽ đầu tiên cho công trình trên những bảng kính dựng sẵn. Với tỷ lệ bố trí thích hợp, những bảng kính đóng vai trò như những cột gióng để KTS có thể mường tượng và ước lượng kích thước của các công trình thực tế.
Những bảng kính này được thiết kế theo kích thước mang bội số của khổ giấy A1 thường dùng trong bản vẽ kiến trúc. Để giảm thiểu ảnh hưởng đến vườn tre, chúng tôi dựng những vách kính theo phương đứng ở vị trí zig-ziag với nhau nhằm tạo ra luồng giao thông theo hướng dọc để tăng tính trải nghiệm cho khu vườn.
Ở một góc vườn, bộ bàn ghế dài với hai băng ghế được đặt so le tạo cảm giác bất đối xứng một cách thú vị. Đây là nơi để người KTS có thể sinh hoạt cùng đồng nghiệp, trao đổi bàn bạc về thiết kế, ngồi lại để chiêm nghiệm hay đơn giản chỉ để trải nghiệm khoảnh khắc giữa thiên nhiên.
Vật liệu chủ yếu được sử dụng ở công trình này là kính. Với đặc tính trong suốt, vật liệu này đóng vai trò phân chia nhưng không chia cắt tính xuyên suốt của không gian, tạo nên hình ảnh phản chiếu thú vị khi nhìn từ trong văn phòng.
Sky House
- Vị trí: An Phú, quận 2, Tp. HCM
- Hoàn thành: 2019
- Chủ trì thiết kế: Nguyễn Hoàng Mạnh
- Thiết kế ý tưởng kiến trúc: Trương Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Tấn Phát
- Thiết kế nội thất: Lê Vũ Hải Triều
- Thiết kế kỹ thuật: Bùi Hoàng Bảo, Nguyễn Quang Duy
Sài Gòn là một thành phố có mật độ công trình, xe cộ và con người dày đặc bậc nhất Việt Nam. Theo cùng đó là sự tắc nghẽn của giao thông và hạ tầng đô thị nhưng lại thiếu không gian cho những mảng xanh, nơi con người có thể tĩnh tâm và ngồi lại với thiên nhiên sau những giờ làm việc căng thẳng.
Không nằm ngoài bối cảnh trên, khu đất xây dựng của Sky House cũng nằm lọt thỏm giữa “thung lũng” các tòa nhà cao tầng san sát nhau, đưa ra một đề bài khó cho việc thiết kế với mục tiêu tạo nên một công trình “mở” và “thở”.
Với mong muốn đó, kết hợp cùng cá tính của gia chủ là người ưa thích sự tĩnh lặng – nhóm thiết kế đã đưa ra một định hướng kiến trúc rõ ràng, đó là mang lại sự kết nối cao giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên theo phương ngang và phương đứng.
Giải pháp là tạo những khoảng trống lớn thông với nhau, để từ đó thiên nhiên có thể luồn lách vào tận từng ngóc ngách của không gian sống. Với diện tích khu đất không đổi, thay vì vẽ nên những căn phòng rộng quá khổ so với nhu cầu sử dụng, chúng tôi đã “cắt đôi” ngôi nhà để dành một nửa nắng, gió, mặt nước, cây xanh hay chỉ đơn giản là những khoảng trống, nửa còn lại sẽ dành cho sinh hoạt gia đình với các tiện ích vừa đủ ở mức tối thiểu.
Công trình kiến trúc như một cơ thể sống: thay vì mở ra bốn phía xung quanh, chúng tôi tạo ra sự kết nối theo chiều dọc giữa ngôi nhà và bầu trời. Cách tiếp cận đó đã tạo điều kiện để ngôi nhà có thể đón nhận tự nhiên một cách gián tiếp, và từ đó ta cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết, của giờ trong ngày một cách rất trực tiếp.
Kiến trúc lúc này không còn bị phụ thuộc bởi bối cảnh xung quanh nữa, mà đã tự tạo ra cho mình cảnh quan riêng ngay trong nội tại. Liên kết giữa con người và tự nhiên bên ngoài được thể hiện qua nhiều cách, đồng thời tăng thêm kết nối phương đứng giữa những không gian sử dụng thông qua các ô trống. Các khoảng trống đó nay đã trở thành chủ thể chính của ngôi nhà, là nơi cha mẹ và con cái có thể nhìn thấy nhau ở mọi ngóc ngách.
Đây là cách mà kiến trúc có thể chữa lành tâm hồn con người bằng sự hòa hợp với thiên nhiên. Như lời danh họa Vangogh đã từng nói: “Nếu bạn thật sự yêu thiên nhiên, bạn sẽ thấy cái đẹp ở mọi nơi”.
Wyndham Garden Phú Quốc
- Vị trí: huyện đạo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam
- Chủ đầu tư: Nam group
- Hoàn thành: 2018
- Diện tích dự án: 7ha
- Chủ trì thiết kế: Nguyễn Hoàng Mạnh
- Thiết kế ý tưởng: Trương Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Tấn Phát
- Thiết kế nội thất: Steven Baeteman, Lê Vũ Hải Triều, Bùi Viết Kiên
- Thiết kế kỹ thuật: Bùi Hòang Bảo, Nguyễn Ngọc Thiên Phương
- Triển khai: Lê Thị Hương, Lê Hồ Ngọc Thảo, Huỳnh Minh Phương, Nguyễn Ngọc
Thuyết minh công trình
Wyndham Garden Phú Quốc nằm trên khu đất không có hướng nhìn ra bờ biển. Từ điểm bất lợi này, chúng tôi thiết kế nên các villa với các khoảng vườn lớn bên trong như những gian nhà truyền thống của Việt Nam. Trong quá trình thiết kế mặt bằng tổng thể, chúng tôi gom các villa thành từng cụm nhỏ, gợi nên hình ảnh gần gũi của làng cổ Việt. Với hình ảnh con đường làng bao quanh bởi lũy tre, các tuyến đường giao thông trong dự án được thiết kế nhỏ và uốn lượn, gợi nhớ về con đường ở làng quê Việt nhằm tạo cảm giác gần gũi cho người sử dụng.
Mỗi nhóm từ năm đến bảy villa tạo thành một xóm nhỏ với lối đi riêng và một khoảng sân chung. Điều này tạo nên không riêng tư tuyệt đối, tĩnh lặng và lãng mạn với thiết kế kiến trúc độc đáo. Chúng tôi tạo nên tính riêng tư cho các villa bằng những bức tường cao 3 mét và bỏ đi các khung cửa nhằm mở tối đa không gian bên trong, tạo kết nối với tự nhiên.
Được xây dựng dựa trên kết nối giữa thiên nhiên và con người, không gian bên trong mỗi villa tạo cho người sử dụng cảm giác lạc giữa những khoảng xanh. Các không gian được phủ rèm dây leo nhằm tạo tính riêng tư. Không gian bên trong được mở tối đa để đón ánh nắng tự nhiên, tạo nên kết nối hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc.
Nội thất bên trong mỗi villa được làm bằng chất liệu mộc mạc thân thiện với thiên nhiên. Với cấu trúc nhà một tầng, Wyndham Garden Phú Quốc không chỉ mang đến không gian thư giãn riêng tư tuyệt đối mà còn tạo cho người sử dụng các khoảng nhìn ra bầu trời và tự nhiên.
“Năm 2019 ghi dấu những thành công của MIA Design Studio tại 3 công trình ở 3 thể loại khác nhau đó là Dự án Sky House, Wyndham Garden Phú Quốc, Dự án Naman Retreat Pure Spa… Qua các công trình, chúng ta sẽ cùng trải nghiệm những ý tưởng phát triển từ bản sắc văn hóa, kiến trúc đơn giản, hiệu quả, phù hợp với vùng khí hậu Nhiệt đới. Từ đó, chia sẻ những trải nghiệm của MIA trên con đường khám phá những triết lý kiến trúc lãng đãng như một cuộc rong chơi.
“Xây dựng bản sắc riêng cho Kiến trúc Việt Nam ở thế kỷ 21 trong thời hội nhập với thế giới” – đó là tiêu chí mà tôi nghĩ trong góc độ mình là một công dân Việt Nam, tự nhận thấy trách nhiệm của mình là một KTS đối với xã hội qua việc mình làm nghề mỗi ngày. Ngoài việc công năng không gian sống của một công trình phải được đặt lên hàng đầu, thiết kế của công trình cần mang bản sắc địa phương từ các yếu tố ánh sáng, thông thoáng mặt nước và cây xanh rất được chú trọng. Bên cạnh đó ở đâu là sự khác biệt về sự nhận biết của yếu tố bản địa rõ nhất. Điều này thật cần thiết cho sự phát triển cho nền Kiến trúc Việt Nam được tiếp tục đúng với cái mà nó cần phải có mà bao thế hệ đi trước đã làm”.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)